Giáo dục đúng cách cho trẻ mầm non
Giáo dục trẻ mầm non nên được thực hiện ngay từ những năm đầu đời, theo phương thức học mà chơi, chơi mà học lôi cuốn chứ không nên gượng ép và khô khan.
Việc kích hoạt những tiềm năng não bộ từ giai đoạn bào thai cho đến 6 tuổi tác động rất lớn đến sự phát triển trí tuệ về sau của trẻ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Trẻ thông minh sớm, phụ huynh có 5 năm đầu tư để kích hoạt tiềm năng cho trẻ trong thời kỳ này. Nếu đầu tư chậm trễ, trẻ sẽ chịu nhiều thiệt thòi mà hiệu quả giáo dục cũng không cao.
Nghiên cứu cho thấy, khoảng 95% các khái niệm tri thức mà con người học được trong cả cuộc đời tích lũy trước 5 tuổi. Ngoài ra, trẻ nhỏ có bản năng ghi nhớ rất tốt và tiếp thu rất nhanh. Bé có thể giải quyết những vấn đề khó khăn như học đứng thẳng và đi lại, điều khiển chân tay, nhận biết vạn vật, nắm vững ngôn ngữ, phát triển các phẩm chất ngay từ sơ sinh. Cha mẹ nên tận dụng giai đoạn này để lấp đầy bộ não đang còn trống của trẻ. Tuy nhiên, vì các bé còn ở tuổi mải chơi hơn ham học, cha mẹ nên giáo dục sớm cho trẻ theo "Phương án 0 tuổi".
Ra đời cách đây hơn ba thập niên, phương pháp này được áp dụng tại nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Khác với lối giáo dục truyền thống, phương án 0 tuổi đánh giá cao tiềm năng phát triển của trẻ giai đoạn dưới 3 tuổi. Song song với quá trình phát triển tự nhiên, phương pháp chăm bón và kích hoạt các khả năng tiềm ẩn của trẻ trong những năm đầu đời.
Bên cạnh đó, phương pháp còn đảm bảo các nguyên tắc sư phạm mầm non là tạo môi trường học vui vẻ, nhẹ nhàng, vui vẻ và hào hứng cho trẻ. Tại trường mầm non Saigon Academy, nơi áp dụng phương án 0 tuổi, hầu hết các bé dưới 3 tuổi đều nhận diện và phản xạ rất nhanh về màu sắc, thẻ chữ, hình khối, gọi tên chính xác các sự vật hay hiện tượng xung quanh.
Đối với những đối tượng trẻ ở độ tuổi khác nhau cũng sẽ có những cách giáo dục khác nhau:
Trẻ từ 1- 3 tuổi
Ở giai đoạn từ 1-3 tuổi thì phương pháp giáo dục trẻ mầm non chú trọng vào việc phát triển thế giới tình cảm và khả năng ngôn ngữ của trẻ. Theo đó, các giáo viên nên có những lời nói, hành động thân thiện và gần gũi để xây dựng lòng tin của trẻ đối với mọi người xung quanh. Khi các em mắc sai lầm thì các thầy cô cũng nên nhẹ nhàng giải thích và động viên trẻ, giúp trẻ ý thức được về những việc làm chưa tốt của mình, thay vì sử dụng những hình phạt nặng nề không cần thiết. Giai đoạn này trẻ học theo rất nhanh nên giáo viên cần sử dụng những từ ngữ chuẩn mực và phù hợp đối với từng hoàn cảnh và tình huống nhất định.
Phương pháp giáo dục trẻ mầm non còn chú trọng vào việc phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ. Thay bằng việc ép trẻ làm quen với màu sắc, con số một cách đơn điệu thì giáo viên mầm non sẽ sử dụng những hình ảnh minh họa, dụng cụ trực quan để giúp cho bài học trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.
Trẻ từ 3 – 5 tuổi
Đối với lứa tuổi này, trẻ đã hình thành ý thức về thế giới xung quanh nên phương pháp giáo dục trẻ mầm non sẽ tập trung vào việc nâng cao thêm khả năng ngôn ngữ, phát triển ý thức và tư duy cho trẻ. Giáo viên mầm non nên có những mức thưởng phạt rõ ràng chứ không chỉ dừng lại ở lời nói như giai đoạn trước. Đối với trẻ mắc sai phạm thì ngoài việc phân tích cho trẻ thấy lỗi sai của mình, trẻ còn phải chịu trách nhiệm về hậu quả của những hành động đó. Ngược lại, cần khen thưởng các bé hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình để trẻ có thêm động lực phấn đấu cho những buổi học tiếp theo.
Ở lứa tuổi này, giáo viên còn giúp các em hình thành khả năng tư duy và xây dựng ý thức tự học thông qua các bài giảng về bảng chữ cái, các con số và kiến thức về thế giới tự nhiên xung quanh. Phương pháp giáo dục trẻ mầm non thời kỳ này sẽ giúp trẻ tạo được nền tảng kiến thức tốt để tự tin bước vào lớp 1.
Các hoạt động học tập đều được thể hiện dưới hình thức trò chơi sáng tạo, khám phá xung quanh. Trẻ nhận diện màu sắc bằng việc tự tay làm sương sa hạt lựu. Trẻ nhận biết hình khối bằng việc tự làm thạch rau câu theo các khuôn hình. Không những thế, bé còn tìm hiểu vạn vật tự nhiên bằng những chuyến thám hiểm trong khuôn viên trường hay tận tay làm các thí nghiệm khoa học lý thú...