Những Buổi Chợ Phiên Hà Nội
Chợ phiên Hà Nội ngày xưa thường một vài năm mới tổ chức một lần, có thể một năm đôi ba lần.
Ít ai nghĩ rằng giữa lòng Thủ đô cũng tồn tại một loại chợ như thế. Không ai biết chợ phiên bắt đầu từ bao giờ. Chợ phiên Hà Nội ngày xưa thường một vài năm mới tổ chức một lần, có thể một năm đôi ba lần. Hầu hết chợ phiên được tổ chức ở những khu phố trung tâm, chỗ đông dân cư như Bờ Hồ, vườn Bách Thảo, hồ Trúc Bạch.
Chợ phiên Hà Nội xưa là nơi phần lớn mọi người đến để vui chơi, giải trí, giao lưu bạn bè. Chợ phiên cũng giống như một lễ hội văn hóa: có thi hát hay, thi nam thanh niên khỏe đẹp, thi nữ công gia chánh,… Đến chợ phiên, mọi người mặc sức thả hồn theo những ham muốn, những cảm xúc thật của lòng mình.
Đi chợ phiên không đơn thuần là để mua bán hàng hóa. Chợ vừa là trung tâm buôn bán vừa là nơi giao lưu tình cảm, trao đổi thông tin. Chợ phiên trở thành cầu nối thắt chặt tình làng nghĩa xóm của những người nông dân vốn vẫn quen sống bằng cái tình cái nghĩa.
Hàng hóa ở các chợ phiên Hà Nội cũng rất bình dân và hầu như còn rất “thô." Bản chất thật thà, chất phác của người nông dân thể hiện rõ qua qua những sản phẩm cũng như cách họ bán hàng. Bạn muốn mua gì xin cứ chọn thoải mái, không có sự chèo kéo gây khó chịu cho khách hàng. Càng không có chuyện tranh giành khách, “thét” giá cao. Việc cân đong cũng rất tuềnh toàng, cân chỉ dùng đối với hàng thịt, gạo chứ đa số người dân quê vẫn quen bán mớ, bán con.
Mỗi chợ phiên Hà Nội mang một nét đặc trưng riêng, góp phần làm nên nét đặc thù của đô thị sầm uất vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Hà Nội bây giờ đã khác xưa nhiều, chợ mọc lên từng ngày, từng giờ. Người Hà Nội đã quen với nhiều loại hình chợ mới, nhưng chợ phiên Hà Nội vẫn mang một vóc dáng riêng, mặc dù chợ phiên Hà Nội ngày nay cũng đã đổi thay đi nhiều. Hàng hóa tại các phiên chợ cũng phong phú, đa dạng hơn. Những dãy lều quán, mái lá lụp xụp giờ đây đã được xây dựng lại khang trang hơn. Song dù cuộc sống ngày càng hối hả, nhưng tại các phiên chợ Hà Nội vẫn giữ được vẻ thanh bình, tĩnh tại của làng quê ngoại thành.
Hà Nội vẫn còn hai chợ giữ được ngày họp đúng phiên. Đó là chợ Bưởi họp vào các ngày mùng 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch và chợ Mơ họp vào các ngày mùng 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch.
Phiên chợ Bưởi
Chợ Bưởi thuộc phía Tây Thủ đô, gần kề bên Hồ Tây. Chợ Bưởi hình thành chính xác năm nào thì không ai rõ, chỉ biết xưa kia nó là nơi giao lưu hàng hóa nông sản thực phẩm từ ngoại thành và các vùng phụ cận như huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Tây trước đây (nay là Hà Nội), tỉnh Vĩnh Phúc vào nội thành rồi đổi hàng hóa thủ công mỹ nghệ, xa xỉ phẩm từ nội thành. Nét nổi bật của chợ Bưởi là nơi cung cấp các giống cây trồng, con giống, vật dụng nông nghiệp, sản vật làng nghề.
Chợ Bưởi cũng trở thành nơi thăm thú của nhiều người rảnh rỗi, yêu chim thú, hoa cây cảnh ở khắp các nơi trong Hà Nội. Đặc biệt, những năm xa xưa, cứ đến ngày 29 Tết, chợ Bưởi còn có thêm một nếp là mổ trâu bò và dân các làng vùng Bưởi cùng nhau mua trâu bò rồi giết mổ tại chợ, chia nhau ăn Tết.
Ngày nay, chợ Bưởi đã xây dựng khang trang, hiện đại, thuộc sự quản lý của Tổng công ty Thương mại Hà Nội, nhưng riêng phiên chợ vẫn được duy trì bằng cách quy hoạch một khu vực riêng để người dân có cơ hội mua bán cây, con giống.
Phiên chợ Mơ
Chợ Mơ thuộc về địa phận phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Không giống như chợ Bưởi, chợ Mơ cũng có bán các giống cây nhưng mặt hàng chủ yếu lại là động vật nuôi trong nhà như chó, mèo, thỏ, chim, cá cảnh. Chợ trở thành điểm lý tưởng của những người say mê vật nuôi trong gia đình.
Năm 2007, thành phố ra quyết định phá bỏ chợ Mơ để xây dựng một trung tâm thương mại hiện đại. Các hộ kinh doanh ở chợ Mơ chuyển ra chợ tạm nằm trên phố Kim Ngưu. Kể từ đó, các phiên chợ Mơ chuyển sang họp tại bờ sông Kim Ngưu.
Chợ phiên Hà Nội là một nét “duyên thầm” của đất Kinh kỳ!./.
Nguồn: Quỳnh Hoa/Thanglong.gocom.vn