Du Lịch Phú Yên: Tốp Điểm Tham Quan & Món Ăn Hấp Dẫn
Thời gian lý tưởng để du lịch Phú Yên
Khí hậu Phú Yên có hai mùa rõ rệt. Mùa mưa trong khoảng tháng 9 – 12. Do vậy, để thuận tiện nhất cho các chuyến tham quan, bạn nên tới đây vào mùa nắng từ tháng 1 đến tháng 8. Ngoài ra bạn cũng có thể thu xếp đến vào những dịp lễ hội, lắng nghe hát bài chòi – một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Di chuyển tới Phú Yên
Bạn có thể tới tới đây bằng các phương tiện tàu hỏa, máy bay, xe khách.
Xe khách: Mua vé tại bến xe miền Đông, Sài Gòn. Giá từ 180.000 đến 300.000 đồng một vé.
Tàu hỏa: Từ Hà Nội các bạn di chuyển bằng tàu hỏa tuyến ga Hà Nội – Phú Yên. Để tiết kiệm thời gian du lịch Phú Yên các bạn nên đi tàu SE3 chạy vào 10h tối và đến khoảng 8h30 tối hôm sau thì đến ga Phú Yên.
Từ TP.Hồ Chí Minh các bạn có thể tới Phú Yên bằng tàu SE2 và SE4, nên đi tàu đêm để tới Phú Yên vào sáng hôm sau.
Máy bay: Có thể bay từ Hà Nội hoặc Sài Gòn tới Tuy Hòa. Giá vé dao động 1-1,5 triệu đồng. Sân bay nằm cách trung tâm thành phố 10 km nên bạn phải thuê xe ôm hoặc taxi để di chuyển tiếp.
Phương tiện di chuyển ở Phú Yên
Khi đến Phú Yên bạn cũng có thể di chuyển để tham quan, du lịch bằng xe khách, taxi hay xe máy. Nhưng để chủ động về thời gian và địa điểm mình muốn đến mà vẫn tiết kiệm được nhiều khoản chi phí, du khách nên di chuyển bằng xe máy. Giá thuê xe máy vào khoảng 80.000 đến 120.000 tùy vào loại xe. Khi thuê xe máy thì du khách phải đặt cọc hay để lại chứng minh nhân dân để đảm bảo.
Ở đâu khi du lịch Phú Yên?
Thành phố Tuy Hòa không phải là một điểm nóng về du lịch như Đà Nẵng hay Nha Trang nên giá phòng ở đây không đắt, các phòng nghỉ dao động 150.000 – 300.000 đồng mỗi phòng tùy loại. Bạn nên đặt phòng khách sạn tại khu vực trung tâm thành phố trên các tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, đường Độc Lập… Từ đây bạn có thể dễ dàng thuê xe máy hoặc taxi đến các điểm du lịch nổi tiếng như: núi Nhạn, vực Phun, đầm Ô Loan, mũi Đại Lãnh, gành Đá Đĩa, vĩnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đài…
NHỮNG ĐIỂM THAM QUAN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH PHÚ YÊN
Đập Đồng Cam
Đập Đồng Cam nằm phía Tây huyện Phú Hòa, dài 688m với hơn 2.500 hạng mục lớn nhỏ, có hai kênh dẫn nước là kênh Chính Bắc và Nam tưới tiêu cho cả vùng lúa Tuy Hòa rộng 220 km². Đồng Cam là công trình có giá trị thẩm mỹ lẫn kỹ thuật rất cao. Đập có ý nghĩa về mặt kinh tế, lịch sử cộng với cảnh quan tươi đẹp, kiến trúc độc đáo.
Vịnh Vũng Rô
Vũng Rô là một vịnh nhỏ thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả. Vịnh cũng là ranh giới tự nhiên trên biển giữa Phú Yên với Khánh Hòa. Từ đỉnh của đèo Cả nhìn về phía Đông, vịnh Vũng Rô sẽ làm say lòng du khách với một vùng non xanh nước biếc hòa quyện vào nhau nên thơ và hùng vĩ. Thời gian lý tưởng để bạn đến Vũng Rô vào dịp hè – mùa của tôm cá, mùa của cái nắng như đổ lửa nhưng như vậy bạn mới cảm hết được vẻ đẹp của hoang sơ và trong vắt của vịnh biển này.
Nhà thờ Mằng Lăng
Được xây dựng từ năm 1892, nhà thờ Mằng Lăng được coi nhà thờ cổ nhất của Phú Yên và là một trong những nhà thờ lâu đời nhất của Việt Nam. Nơi đây là điểm đến khá thu hút du khách của Phú Yên, trong quá khứ nhà thờ Mằng Lăng đã từng là nơi dừng chân giảng dạy của giám mục Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ) và đây cũng là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
Cao nguyên Vân Hòa
Được ví như Đà Lạt của Phú Yên, cao nguyên Vân Hòa thuộc huyện Sơn Hòa, gồm các xã Sơn Xuân, Sơn Long và Sơn Định. Nằm ở độ cao 400m, cao nguyên đầy nắng, gió và cả sương mờ. Điều thú vị ở nơi này là vào mùa thu khí hậu luôn thấp hơn ở Tuy Hòa, mỗi buổi sáng bạn sẽ thấy sương mờ giăng, cảm giác như đang ở Đà Lạt. Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng với đặc sản thơm, mít và mắm làm từ 2 loại trái này.
Gành Đá Dĩa, gành Đèn
Nổi tiếng nhất ở Phú Yên phải kể đến thắng cảnh gành Đá Dĩa độc nhất vô nhị chỉ có ở Việt Nam. Nhìn từ xa, gành Đá Dĩa như một tổ ong khổng lồ rộng khoảng 50m, dài 200m với những khối đá hình lăng trụ xếp liền nhau, ngay ngắn cùng vươn mình ra biển khơi. Bãi đá với hàng nghìn, hàng nghìn những phiến đá ấy, óng lên màu đen huyền bí nổi bật giữa nước biển xanh ngắt và những con sóng vỗ trắng xóa. Cách gành Đá Dĩa không xa là gành Đèn với ít người lui tới nhưng khung cảnh cũng kỳ vĩ không kém làm say lòng biết bao người khi đã từng chiêm ngưỡng.
Tháp Nhạn
Tháp Nhạn là một tháp Chăm nằm trên núi Nhạn, tháp được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng nên vào khoảng thế kỉ 12. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại so với tầng dưới, nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới. Tháp cao khoảng 23,5m. Phần bên trong là một am nhỏ thờ bà Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi được xây dựng từ thời hậu Lê. Tháp Nhạn nằm trên núi Nhạn, soi bóng trên dòng Đà giang hùng vĩ tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình: Núi Nhạn – Sông Đà Rằng.
Bãi Xép
Bãi Xép nằm ở phía Bắc thành phố Tuy Hòa, dài khoảng 500m, đẹp hoang dã với hai bãi đá đen bao bọc hai đầu bãi biển. Sau thành công của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, khung cảnh bao la trong phân đoạn thả diều của những nhân vật nhí trong bộ phim đã thu hút rất nhiều khách du lịch ghé đến.
Núi Đá Bia
Núi Đá Bia, tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian gọi là Núi Ông, là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy núi Đèo Cả. Núi nổi tiếng vì tảng đá bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi mà cách xa vẫn có thể nhìn thấy. Trên đỉnh núi mây thường xuyên che lấp khối đá Bia tạo nên cảnh quan hùng vĩ, ấn tượng. Từ đây có thể nhìn bao quát vùng biển xung quanh, thấy Vũng Rô của Phú Yên ở ngay chân núi phía Nam hay vịnh Vân Phong của Khánh Hòa. Vào những ngày trời nắng đẹp thậm chí du khách còn có thể thấy thành phố Nha Trang.
Đầm Ô Loan
Nằm dưới chân đèo Quán Cau, quốc lộ 1A, đầm Ô Loan được ví như là một con phượng hoàng đang tung cánh bay. Đây là địa điểm tuyệt đẹp cho du khách ngắm ánh mặt trời vào lúc bình minh. Bạn có thể ngắm toàn cảnh đầm bằng cách leo lên đỉnh đèo Quán Cau với khung cảnh mặt hồ rộng từng làn sóng gợn lăn tăn theo gió, những dải đồi thấp thoai thoải với những ruộng mía xanh ngắt. Du ngoạn đầm Ô Loan, du khách sẽ được thưởng thức đặc sản sò huyết trứ danh nổi tiếng trên khắp cả nước.
Vịnh Xuân Đài
Vịnh Xuân Đài là một vịnh nhỏ nằm dưới chân dốc Găng thuộc địa phận thị xã Sông Cầu. Trong vịnh có khá nhiều vũng biển và bãi tắm đẹp như Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào cùng nhiều đảo, bán đảo. Các bãi tắm của nơi đây đều sở hữu làn nước trong vắt và không sâu, du khách có thể bơi ra xa mà không sợ nguy hiểm.
Hải đăng Đại Lãnh
Danh thắng Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh thuộc địa phận thôn Đồng Bé, xã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà, cách thành phố Tuy Hoà khoảng 35 km về phía Đông Nam. Đại Lãnh làm say lòng người với bãi Môn trong veo, những triền cát trải dài nhấp nhô. Thú vị nhất là men theo đường mòn, lên ngọn hải đăng, ngắm vùng biển bao la xanh ngát, những đoàn tàu chậm chậm trôi, những núi đá hình dáng kỳ lạ, hay trở thành một trong những người đón ngày mới sớm nhất tại “ngọn hải đăng cực Đông” của Tổ quốc.
Đèo Cả
Đèo Cả là một trong những đèo lớn và hiểm trở tại miền Trung với khung cảnh thiên nhiên vô cùng hùng vĩ. Tên “Đèo Cả” có khi Pháp đang xây Quốc lộ 1A. Thời tiết ở đây nhiều mưa và nhiều mây, tạo ra nhiều thực vật đặt biệt. Trước kia, khu này là một nơi sản xuất trầm hương và kỳ nam nổi tiếng. Nay vẫn còn nhiều cây quý mọc tại đây như cẩm, thị, sao, chò, dầu, kiền kiền, và đát.
Vực Phun
Vực Phun nằm lọt thỏm trong dãy núi Đá Đen, giữa bạt ngàn rừng cây và đồi núi trập trùng, tạo thành cảnh quan rất thơ mộng. Đặc biệt từ lòng vực trở lên vách đá có nhiều chỗ dựng thẳng đứng. Xung quanh vực là khu rừng nguyên sinh, dưới vực có nhiều tảng đá lớn khiến nước dội ngược lên rất mạnh. Đến đây, du khách sẽ được thưởng ngoạn một vùng phong cảnh non nước hữu tình.
Hòn Nưa
Hòn Nưa nằm ngay chân đèo Cả, thuộc vùng giáp ranh giữa Phú Yên và Khánh Hòa, có đỉnh núi cao 105 m so với mực nước biển. Đến với Hòn Nưa nếu đi nhóm đông, bạn nên ở lại một đêm để đốt lửa trại, ăn hải sản nướng, hưởng chút không khí biển đêm yên tĩnh.
LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG Ở PHÚ YÊN
Hội đua thuyền đầm Ô Loan được tổ chức vào mồng 7/1 âm lịch tại xã An Cư, huyện Tuy An. Lễ hội mong muốn cầu cho một năm trời yên, biển lặng để người dân khai thác được nhiều tôm cá.
Hội đua ngựa được tổ chức tại xã An Xuân vào ngày 6/1 âm lịch. Lễ hội nhằm nhắc nhở người dân về tinh thần thượng võ của một vùng đất, thể hiện ý chí quật cường và sức mạnh phi thường của con người trước thiên nhiên hùng vĩ.
Hội thơ đêm nguyên tiêu là dịp giao lưu, gặp gỡ của những người yêu thơ Phú Yên. Địa điểm tổ chức là vườn hoa Diên Hồng, thư viện Hải Phú và sân núi Nhạn, nơi có không gian lãng mạn, thơ mộng nhất. Thời gian tổ chức là rằm tháng Giêng hàng năm.
Lễ hội đâm trâu là hoạt động văn hóa giàu bản sắc của dân tộc Ba Na vào khoảng tháng chạp đến tháng ba âm lịch. Lễ hội diễn ra trong ba ngày đêm tại làng Đồng, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân.
MÓN ĂN NGON PHÚ YÊN KHÔNG THỂ BỎ QUA
Sò huyết đầm Ô Loan
Sò huyết đầm Ô Loan ở Phú Yên to hơn nhiều so với nơi khác, xuất hiện thường xuyên trong năm và dễ dàng đánh bắt. Người dân khi bắt được sò thường đem về chế biến thành nhiều món như nướng mỡ hành, nướng mọi hay đem xào, rang muối ớt, sốt me với rau răm và cháo… Khi đó, bạn có thể vừa ăn sò huyết, vừa có thể nói đủ thứ chuyện và ngắm trời mây non nước, cảm giác thật sự rất thi vị.
Bánh hỏi lòng heo
Món bánh hỏi gắn bó mật thiết đến nỗi người dân bảo rằng “đến đây mà chưa ăn qua món này thì coi như chưa tới”. Đó chính là bánh hỏi lòng heo đất Phú Yên. Ở Phú Yên, bánh hỏi được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Bánh hỏi thường gia vị thêm mỡ hành, ăn kèm với thịt quay, thịt nướng, lòng heo… đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi, lễ cúng ở đình, chùa của người dân và là một nét văn hóa ẩm thực của các địa phương.
Mắt cá ngừ đại dương
Mắt cá ngừ đại dương là món mà chỉ cần nhắc đến thôi bất kỳ ai cũng nghĩ ngay đến Phú Yên. Tuy là món đặc trưng nhưng mắt cá ngừ đại dương cũng nhiều lần khiến thực khách e ngại với lý do “nhìn to quá trông sợ sợ”. Thế nhưng, một khi đã thử qua món này, bạn chắc chắn sẽ vương vấn hương vị ngay khi rời khỏi Phú Yên. Điều đặc biệt là mặc dù món ăn được hầm với một số loại thuốc bắc nhưng khi ăn bạn hầu như không cảm được vị thuốc át mùi cá. Mỗi nơi ở Phú Yên có cách nấu và trình bày khác nhau, nhưng xét về độ ngon thì hương vị hầu như không thay đổi.
Chả dông
Phú Yên nói đến món ăn đặc sản được chế biến từ con dông phải nói đến món chả dông ở phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa. Thịt dông sau khi làm sạch được bằm nhuyễn hay quết dẻo cùng các loại gia vị như: ớt bột, hành, tiêu, tỏi, mỡ heo hay dầu ăn. Sau đó trộn hỗn hợp thịt dông cùng gia vị với một ít nấm mèo và bách thảo đã cắt nhỏ, rồi dùng bánh tráng mỏng cuốn thành những cuốn bằng ngón tay trỏ, bỏ vào chảo dầu chiên dòn. Chả dông Phú Lâm thường ăn kèm với rau sống Ngọc Lãng – địa phương trồng rau sạch và ngon có tiếng ở Phú Yên.
Cơm gà Phú Yên
Đến với thành phố Tuy Hòa hầu như ai cũng được truyền tai nhau về quán cơm gà ở đường Lê Thánh Tôn của chị Tuyết Nhung. Quán đã có vài chục năm, lúc nào cũng tất bật khách ra vào. Vào giờ cao điểm buổi sáng hoặc buổi trưa, khách thường phải xếp hàng đợi mới có được chỗ ngồi. Điều đặc biệt nhất của quán cơm gà này chính là món nước chấm. Ngoài những nguyên liệu chính là nước mắm, chanh, đường, tỏi, ớt được xay nhuyễn, trộn đều thì bí quyết gia truyền nằm ở… thịt gà. Ăn cơm gà Phú Yên không thể không kể đến các loại rau ăn kèm: dưa chuột thái lát, ngò, rau răm… Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả nằm ở món hành chua ngâm. Nếu ăn cơm gà Phú Yên, cắn thêm trái ớt xanh, bóc thêm vài tép tỏi vị ngon càng trở nên hấp dẫn hơn.
Nguồn: Tiểu Lam/Ivivu.com